Tiếp thị 4.0 trong nền kinh tế số (digital economy)
15/05/2020 08:36 | Comments
Tình huống khó xử nhất có lẽ là mạng Internet di động. Nó đã đem lại sự kết nối ngang hàng, trao quyền để khách hàng trở nên thông minh và hiểu biết hơn rất nhiều so với trước kia.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những sáng tạo công nghệ số có thể đem đến sự thịnh vượng bền vững cho các quốc gia. Tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey đã thống kê các phát minh hàng đầu tạo nên sức ảnh hưởng kinh tế quan trọng, trong số đó có mạng Internet di động, tự động hóa trong công việc trí óc, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ đám mây, robot tiên tiến và công nghệ in 3D. Những công nghệ kỹ thuật số này đã có mặt từ vài năm trước nhưng tầm ảnh hưởng của chúng chỉ đạt đến đỉnh cáo gần đây nhờ vào sự hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau.
Những công nghệ trên đã giúp phát triển nhiều ngành trong nền kinh tế, chẳng hạn như ngành bán lẻ (thương mại điện tử), vận chuyển (xe tự hành), giáo dục (các khóa học trực tuyến đại chúng), sức khỏe (bệnh án điện tử và thuốc tùy chỉnh theo cá nhân), cũng như tương tác xã hội (mạng xã hội). Tuy nhiên, nhiều công nghệ đang dẫn dắt nền kinh tế số này cũng đang phá vỡ những nền công nghiệp chính và gây xáo trộn cho những doanh nghiệp đàn anh. Những nhà bán lẻ lớn như Borders và Blockbuster là ví dụ của những doanh nghiệp phải trải qua sự xáo trộn gây ra bởi những gương mặt mới gia nhập thị trường nhưng có lợi thế công nghệ số trong ngành của mình. Những tân binh có lợi thế về công nghệ đó – Amazon và Netflix – nay là doanh nghiệp đàn anh mới trong các ngành hoạt động của mình. Điều thú vị là, thậm chí những “kẻ gây phá vỡ” trước kia cũng có thể phải chịu chung số phận bị “phá vỡ”. iTunes1 của Apple, ứng dụng từng “phá vỡ” thế nắm quyền của những cửa hàng bán lẻ âm nhạc bằng dịch vụ bán lẻ âm nhạc qua mạng, này bị phá vỡ bởi Spotify2 với mô hình nghe nhạc trực tuyến. Lợi nhuận của Apple từ việc bán nhạc đã giảm dần kể từ đỉnh cao đầu những năm 2000. Apple sau đó cũng đã phải tung ra dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music vào giữa những năm 2015 để cạnh tranh với Spotify.
Khi thích nghi với những công nghệ đột phá mới nổi, đa số khách hàng cảm thấy vừa thích thú vừa lo lắng. Chẳng hạn như công nghệ tự động hóa các công việc trí óc, không những nâng cao năng suất mà còn mang đến quan ngại mất việc làm. Kỹ thuật in 3D đã mở ra một thế giới của khả năng sáng tạo nhanh đến chóng mặt. Nhưng mặt tiêu cực chính là kỹ thuật in 3D có thể bị sử dụng sai mục đích, ví dụ như để sản xuất súng.
Tình huống khó xử nhất có lẽ là mạng Internet di động. Nó đã đem lại sự kết nối ngang hàng, trao quyền để khách hàng trở nên thông minh và hiểu biết hơn rất nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Przybylski và Weinstein ở Đại học Essex chứng minh rằng điện thoại di động có thể gây tổn thương các mối quan hệ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng điện thoại di động là chuyển sự chú ý của người dùng khỏi môi trường hiện tại của họ; và cảm giác có thể được kết nối với một mạng lưới lớn hơn thường ức chế khả năng cảm thông của con người với những người khác ở xung quanh. Vì thế, với xu hướng tiến đến nền kinh tế số ngày một lớn mạnh, khách hàng đang rất mong mỏi cách áp dụng tốt nhất về công nghệ cho phép họ cùng lúc vừa có thể tự thể hiện bản thân vừa có khả năng cảm thông với bên ngoài.
Nội Dung Chính
- 1 Những điểm chính trong nền kinh tế số
- 2 Dịch chuyển từ tiếp thị truyền thống sang công nghệ số
- 3 Từ phân khúc và lập mục tiêu đến sự cho phép của cộng đồng khách hàng
- 4 Từ định vị và khác biệt hóa thương hiệu đến tuyên ngôn của thương hiệu về cá tính và quy tắc
- 5 Từ việc bán hàng theo 4P đến thương mại hóa theo 4C
- 6 Từ quy trình dịch vụ khách hàng đến chăm sóc khách hàng mang tính cộng tác
- 7 Tích hợp tiếp thị truyền thống và tiếp thị số (digital marketing)
- 8 Định nghĩa lại tiếp thị trong nền kinh tế số
- 9 Doanh nghiệp của bạn ứng dụng tiếp thị như thế nào trong nền kinh tế số hiện nay?
- 10 Làm sao để áp dụng Tiếp Thị 4.0 giúp doanh nghiệp bạn Bán Được Hàng và Có Lợi Nhuận?
Những điểm chính trong nền kinh tế số
Khi trực tuyến gặp ngoại tuyến
Phong cách gặp chân thực,
Máy-móc-với-máy-móc gặp người-với-người
Trong giai đoạn chuyển tiếp và thích nghi với nền kinh tế số,cần thiết phải cố một hướng tiếp cận về tiếp thị mới để hướng dẫn những người làm nghề trong việc dự đoán và tận dụng những công nghệ mang tính đột phá. Trong sáu năm vừa qua, các nhà tiếp thị đã yêu cầu phần tiếp theo của Tiếp thị 3.0: Từ Sản phẩm đến Khách hàng đến Tinh thần (Marketing 3.0: From Products to Customers to the Human Spirit, Wiley, 2010). Quyển sách của chúng tôi được chấp nhận rộng rãi đến mức đó đã được dịch thành 24 ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng Anh. Trong quyển sách đó, chúng tôi đã bàn về sự thay đổi lớn từ tiếp thị lấy sản phẩm làm trung tâm (1.0) đến tiếp thị lấy khách hàng làm trung tâm (2.0) đến cuối cùng là tiếp thị lấy con người làm trung tâm (3.0).
Bây giờ, chúng tôi sẽ giới thiệu quyển sách Tiếp thị 4.0. Tiếp thị 4.0 là một phương pháp tiếp thị kết hợp tương tác trực tuyến và ngoại tuyến giữa doanh nghiệp và khách hàng. Trong nền kinh tế số, chỉ tương tác trên nền kỹ thuật số thôi là vẫn chưa đủ. Trên thực tế, trong một thế giới ngày càng trở nên trực tuyến, tiếp xúc ngoại tuyền thể hiện một sự khác biệt rất lớn. Tiếp thị 4.0 cũng pha trộn giữa phong cách và chân thực. Trong khi bắt buộc các thương hiệu phải trở nên linh hoạt và thích nghi hơn bởi sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng công nghệ, những tính cách chân thực của thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một thế giới ngày càng trở nên minh bạch, tính chân thực là tài sản quan trọng nhất. Cuối cùng, Tiếp thị 4.0 tận dụng sự kết nối giữa máy-móc-với-máy-móc và trí thông minh nhân tạo để cải thiện hiệu quả tiếp thị trong lúc khai thác sự kết nối giữa người-với-người để củng cố sự gắn kết của khách hàng.
- iTunes bán nhạc từng bài hoặc từng album qua đó người dùng sau khi thanh toán một lần có thể tải về nghe bất cứ khi nào họ muốn; khách hàng được sở hữu những gì họ mua. {ND}
- Spotify bán dịch vụ nghe nhạc trực tuyến qua đó người dùng trả tiền thuê bao theo tháng {ND}
Dịch chuyển từ tiếp thị truyền thống sang công nghệ số
Từ phân khúc và lập mục tiêu đến sự cho phép của cộng đồng khách hàng
Thông thường, tiếp thị luôn bắt đầu với việc phân khúc-hoạt động phân chia thị trường thành những nhóm đồng nhất dựa trên các đặc điểm về địa lý, nhân khẩu, tâm lý và hành vi. Tiếp theo phân khúc là lập mục tiêu – hoạt động lựa chọn một hoặc nhiều phân khúc mà thương hiệu cam kết theo đuổi dựa vào tính hấp dẫn và độ phù hợp với thương hiệu. Phân khúc và lập mục tiêu đều là những khía cạnh căn bản trong chiến lược của thương hiệu. Chúng cho phép thương hiệu phân bổ nguồn lực hiệu quả và việc định vị trở nên sắc nét hơn. Chúng cũng giúp người làm tiếp thị phục vụ được nhiều phân khúc, với mỗi phân khúc có các chính sách bán hàng khác nhau.
Tuy nhiên, phân khúc và lập mục tiêu cung minh họa cho mối quan hệ hàng dọc giữa thương hiệu và khách hàng của nó, tương tự như kẻ săn mồi và con mồi. Phân khúc và lập mục tiêu là những quyết định đơn phương của người làm tiếp thị mà không có sự tán thành từ khách hàng của họ. Nhà tiếp thị quyết định những biến số để xác định của phân khúc. Sự tham gia của khách hàng chỉ hạn chế trong những thông tin đầu vào của nghiên cứu thị trường, điều thường được tiến hành trước hoạt động phân khúc và lập mục tiêu. Là “mục tiêu”, nên khách hàng thường bị tấn công và làm phiền bởi các thông điệp không liên quan được nhắm đến họ. rất nhiều người xem những thông điệp một chiều đến từ các thương hiệu là thư rác.
Trong nền kinh tế số, khách hàng được kết nối với nhau trong mạng lưới hàng ngang của cộng đồng. Ngày nay, các cộng đồng được xem là là những phân khúc mới. khác với phân khúc, cộng đồng được thành lập một cách tự nhiên bởi khách hàng trong cùng một ranh giới mà họ tự xác định. Những cộng đồng khách hàng miễn nhiễm với thư rác và quảng cáo không liên quan. Trên thực tế, họ sẽ không chấp nhận việc một doanh nghiệp cố xâm nhập vào những mạng lưới quan hệ của họ.
Để gắn kết một cách hiệu quả với cộng đồng khách hàng, các thương hiệu phải nhận được sự cho phép của cộng đồng. Tiếp thị dựa trên sự cho phép – khái niệm do chuyên gia tiếp thị Seth Godin đưa ra – xoay quanh ý tưởng xin phép sự đồng ý của khách hàng trước khi đưa ra những thông điệp tiếp thị. Tuy nhiên, khi xin phép, thương hiệu phải hành xử như là những người bạn với mong muốn giúp đỡ chân thành, chứ không phải thợ săn với con mồi. Tương tự với cơ chế của Facebook, khách hàng sẽ quyết định “đồng ý” hay “bỏ qua” lời mời kết bạn. Điều này thể hiện mối quan hệ hàng ngang giữa thương hiệu và khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể tiếp tục phân khúc, lập mục tiêu và định vị miễn là chúng được thực hiện một cách minh bạch đối với khách hàng.
Inbound Marketing - Mô hình marketing hiệu quả nhất hiện nay
Inbound Marketing là phương pháp thu hút cả thế giới về phía thương hiệu một cách tự nhiên:
-
- Chủ động chiến lược tiếp cận khách hàng từ các kênh có sẵn.
- Biến khách hàng thành người ủng hộ thương hiệu liên tục.
- Giúp giải quyết lo lắng và thúc đẩy hành động mua hàng.
- Mang lại hiệu quả dài hạn, bền vững và thu hồi vốn đầu tư (ROI).
- Dẫn đầu ngành hàng kinh doanh với nền tảng đa kênh hiệu quả.
-
- 115-100 bài viết bán hàng và bài SEO hiệu quả mỗi tháng.
- 130-500 bài sưu tầm biên tập chuẩn SEO, hút khách mỗi tháng.
- 100-1.000 từ khóa được SEO tổng thể theo ngành hàng liên tục.
- Thu hút 3.000 - 100.000 khách truy cập tự nhiên mỗi tháng.
Từ định vị và khác biệt hóa thương hiệu đến tuyên ngôn của thương hiệu về cá tính và quy tắc
Theo cách nghĩ truyền thống, thương hiệu là một bộ hình ảnh – thường là tên, logo và khẩu hiệu – phân biệt sản phẩm và dịch vụ mà một doanh nghiệp cung cấp so với đối thủ cạnh tranh. Nó cũng đóng vai trò là một điểm tập trung chứa tất cả giá trị được tạo nên từ các chiến dịch thương hiệu của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, thương hiệu còn trở thành đại diện cho những trải nghiệm tổng thể của khách hàng mà doanh nghiệp đem đến cho khách hàng của mình. Do đó, thương hiệu có thể được dùng như một nền tảng cho chiến lược của doanh nghiệp vì bất kỳ hoạt động nào doanh nghiệp tham gia đề sẽ được gắn kết với thương hiệu ấy.
Khái niệm thương hiệu được liên kết chặt chẽ với định vị thương hiệu. Từ những năm 1980, định vị thương hiệu đã được xem là cuộc chiến giành lấy tâm trí của khách hàng. Để thiết lập giá trị lớn mạnh, một thương hiệu phải có sự định vị rõ ràng và thống nhất, cũng như một bộ xác thực những điểm khác biệt hóa để củng cố định vị ấy. Định vị thương hiệu về cơ bản là một lời hứa đầy hấp dẫn mà người làm tiếp thị truyền đạt để chiếm lấy tâm trí và trái tim khách hàng. Để thể hiện sự chính trực của thương hiệu và đạt được sự tin tưởng của khách hàng, người làm tiếp thị phải hoàn thành lời hứa này bằng sự khác biệt mang tính chắc chắn và đáng tin cậy thông qua hỗn hợp tiếp thị.
Trong nền kinh tế số, khách hàng được tạo điều kiện và trao quyền để đánh giá và thậm chí kiểm soát bất kỳ lời hứa định vị thương hiệu nào của doanh nghiệp. Với sự minh bạch này (nhờ vào sự phát triển của truyền thông xã hội), các thương hiệu không thể có những lời hứa hão, không được chứng thực. Các doanh nghiệp có thể tự định vị thành bất kỳ thứ gì, nhưng nếu không có được sự đồng thuận cần thiết từ cộng đồng thì sự định vụ đó chỉ là một hành động che đậy của doanh nghiệp.
Ngày nay, việc liên tục truyền thông lặp đi lặp lại nhận diện thương hiệu và định vị thương hiệu – nhân tố chính dẫn đến thành công của tiếp thị truyền thống – là chưa đủ. Với những công nghệ đột phá, vòng đời sản phẩm ngắn hơn và những xu hướng thay đổi mau chóng, một thương hiệu phải đủ năng động để linh hoạt hành xử trong những tình huống nhất định. Tuy nhiên, thứ cần phải giữ được tính nhất quán là cá tính và quy tắc của thương hiệu đó. Cá tính chính là raison d’être – lý do chân chính cho sự tồn tại của thương hiệu. Khi cốt lõi của thương hiệu được giữ đúng với gốc rễ của nó, những hình ảnh bên ngoài có thể linh hoạt. Hãy nghĩ về điều đó thế này: có rất nhiều sự thay đổi về cách thể hiện logo – Google gọi chúng là những hình tượng trưng (doodles) – những thương hiệu như Google và MTV vẫn giữ được bản chất nhưng linh hoạt trong cách thể hiện.
Từ việc bán hàng theo 4P đến thương mại hóa theo 4C
Hỗn hợp tiếp thị là công cụ kinh điển giúp lên kế hoạch cho việc cung cấp cái gì và làm thế nào để cung cấp đến cho khách hàng. Chủ yếu có 4P: Sản phẩm (Product), Giá thành (Price), Kênh phân phối (Place) và Chiêu thị (Promotion). Sản phẩm thường được phát triển dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng, được xác định thông qua khảo sát thị trường. Doanh nghiệp kiểm soát đa số những quyết định đối với sản phẩm, từ lên ý tưởng đến sản xuất. Để định giá bán cho sản phẩm, các công ty kết hợp các phương pháp định giá khác nhau như định giá dựa trên chi phí sản xuất, mức độ cạnh tranh và giá trị đổi với khách hàng. Mức mà khách hàng sẵn lòng chi trả, được tính toán từ việc định giá dựa trên giá trị đối với khách hàng, là thông tin đầu vào quan trọng nhất thể hiện sự liên quan giữa khách hàng và mức giá đó.
Một khi doanh nghiệp quyết định cung cấp cái gì (sản phẩm và giá thành), họ cần phải quyết định xem sẽ cung cấp như thế nào (kênh phân phối và chiêu thị). Doanh nghiệp cần phải xác định rõ địa điểm để phân phối với mục tiêu làm cho sản phẩm hiện diện và có thể tiếp cận một cách thuận tiện cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần phải truyền tải những thông tin về sản phẩm đến đối tượng mục tiêu thông qua nhiều phương pháp như quảng cáo, quan hệ công chúng và khuyến mãi. Khi 4P của hỗn hợp tiếp thị được thiết kế và sắp xếp một cách tối ưu, việc bán hàng sẽ ít trở ngại hơn vì khách hàng sẽ bị thu hút bởi những cam kết về giá trị của thương hiệu.
Trong một thế giới kết nối, khái niệm hỗn hợp tiếp thị đã tiến hóa để phù hợp hơn với sự tham gia của khách hàng. Hỗn hợp tiếp thị (4P) nên được định nghĩa lại thành 4C; đồng sáng tạo (co-creation), tiền tệ (currency), kích hoạt cộng đồng (communal activation), và thảo luận (conversation).
Trong nền kinh tế số, đồng sáng tạo là một chiến lược phát triển sản phẩm mới. Thông qua việc đồng sáng tạo và gắn kết khách hàng sớm từ giai đoạn lên ý tưởng, doanh nghiệp có thể cải thiện tỷ lệ thành công khi phát triển sản phẩm mới. Đồng sáng tạo cũng cho phép khách hàng tùy chỉnh và cá nhân hóa các sản phẩm và dịch vụ, từ đó tạo ra các giá trị cao hơn cho thương hiệu.
Khái niệm định giá cũng phát triển trong kỷ nguyên số từ việc định giá theo quy chuẩn đến định giá linh hoạt. Định giá linh hoạt – xác định giá một cách linh hoạt dựa trên nhu cầu thị trường và mức sử dụng năng lực sản xuất – là một chủ đề không mới trong các ngành như dịch vụ thân thiện (du lịch, nhà hàng, khách sạn) và hàng không. Nhưng sự tiến bộ trong công nghệ đã cho phép những ngành khác có khả năng sử dụng được phương pháp này. Ví dụ các nhà bán lẻ trực tuyến với lượng dữ liệu thu thập được khổng lồ cho phép họ thực hiện các phân tích trên dữ liệu lớn, từ đó có thể đưa ra từng mức giá duy nhất cho mỗi khách hàng tương ứng. Với cách định giá linh hoạt, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách tính phí khác nhau cho từng khách hàng khác nhau dựa vào đặc điểm của việc mua hàng trước đây, khoảng cách đến cửa hàng và những khía cạnh khác của hồ sơ khách hàng. Trong nền kinh tế, giá cả tương tự như tiền tệ, có thể lên xuống dựa vào nhu cầu của thị trường.
Khái niệm kênh phân phối cũng đang thay đổi. Trong nền kinh tế chia sẻ, khái niệm phân phối mạnh mẽ nhất là phân phối theo mô hình hàng ngang giữa người-dùng-đến-người-dùng. Những “tay chơi” như Airbnb, Uber, Zipcar và Lending Club đang phá vỡ mô hình truyền thống của khách sạn, taxi, thuê xe hơi và ngân hàng. Các doanh nghiệp này cung cấp cho khách hàng sự tiếp cận dễ dàng đến những sản phẩm và dịch vụ thuộc sở hữu của khách hàng khác chứ không phải của doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ in 3D sẽ đẩy mạnh mô hình phân phối người-dùng-đến-người-dùng hơn nữa trong tương lai gần. Thử tưởng tượng khách hàng muốn một sản phẩm và chỉ trong vài phút có thể nhận sản phẩm ấy được in ra ngay trước mắt mình. Trong một thế giới kết nối, khách hàng có nhu cầu tiếp cận đến sản phẩm và dịch vụ gần như là ngay tức thì, điều này chỉ có thể được xử lý từ những người dùng đang ở khoảng cách gần với họ. Đây chính là bản chất của sự kích hoạt cộng đồng.
Khái niệm chiêu thị cũng đã tiến hóa trong những năm gần đây. Theo truyền thống, hoạt động này luôn xuất phát từ một phía là doanh nghiệp truyền tải những thông điệp đến khách hàng của mình như một đối tượng truyền thông. Ngày nay, sự phát triển của những phương tiện truyền thông xã hội cho phép khách hàng có thể hồi đáp lại những thông điệp ấy. Nó cũng cho phép khách hàng thảo luận về những thông điệp ấy với các khách hàng khác. Sự nổi lên của những hệ thống đánh giá do người dùng thực hiện như TripAdvisor hay Yelp cung cấp nền tảng cho khách hàng có thể thảo luận về thương hiệu mà họ quan tâm.
Với mô hình hỗn hợp tiếp thị kết nối (4C), doanh nghiệp sẽ có khả năng “sống sót” cao hơn trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, mô hình bán hàng cũng cần phải thay đổi. Trước đây, khách hàng là những đối tượng bị động của các kỹ thuật bán hàng. Trong một thế giới kết nối, ý tưởng chính là cả hai bên đều chủ động đạt được các giá trị thương mại của mình. Với sự tham gia ngày càng nhiều của khách hàng, doanh nghiệp cần phải gắn kết khách hàng của mình vào hoạt động thương mại minh bạch.
Từ quy trình dịch vụ khách hàng đến chăm sóc khách hàng mang tính cộng tác
Trước khi mua hàng, khách hàng được coi là mục tiêu. Một khi họ quyết định mua hàng, họ được xem là “thượng đế”. Đó là cách tiếp cận dịch vụ khách hàng truyền thống. Chuyển đổi qua cách tiếp cận theo hướng chăm sóc khách hàng, các doanh nghiệp nhìn nhận mọi khách hàng là bình đẳng. Thay vì phục vụ khách hàng, doanh nghiệp có thể thể hiện sự quan tâm chân thành của mình bằng cách lắng nghe, phản hồi và không ngừng thực hiện những điều khoản đã cam kết giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Trong dịch vụ khách hàng truyền thống, nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện những vai trò nhất định và xử lý dựa trên những quy định khắt khe và quy trình làm việc tiêu chuẩn. Điều này thường đặt nhân viên dịch vụ khách hàng vào tình huống trớ trêu với những mục tiêu trái ngược. Trong thế giới kết nối, cộng tác chính là chìa khóa dẫn đến thành công của việc chăm sóc khách hàng. Cộng tác xảy ra khi doanh nghiệp mời khách hàng tham gia vào quy trình bằng cách sử dụng những công cụ tự phục vụ.
Tích hợp tiếp thị truyền thống và tiếp thị số (digital marketing)
Tiếp thị số không phải là để thay thế tiếp thị truyền thống. Thay vào đó, cả hai nên cùng tồn tại và thay thế vai trò cho nhau trong suốt hành trình khách hàng (chi tiết về hành trình khách hàng sẽ được cung cấp trong bài sau). Ở giai đoạn đầu tiên của tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, tiếp thị truyền thống đóng vai trò chính trong việc xây dựng sự nhận biết thương hiệu và tạo nhu cầu. Khi sự tương tác gia tăng và khách hàng đòi hỏi mối quan hệ gần gũi hơn với doanh nghiệp thì vai trò của tiếp thị số chính là thúc đẩy hành động và sự ủng hộ. Vì tiếp thị số đáng tin cậy hơn tiếp thị truyền thống, nên trọng tâm của nó là để thúc đẩy kết quả còn trọng tâm của tiếp thị truyền thống là tạo ra tương tác của khách hàng. (Xem bảng dưới).
Cốt lõi của Tiếp thị 4.0 chính là ghi nhận vai trò đang chuyển đổi của tiếp thị truyền thống và tiếp thị số trong việc xây dựng gắn kết và ủng hộ từ khách hàng.
Định nghĩa lại tiếp thị trong nền kinh tế số
Tiếp thị 4.0 là phương pháp tiếp thị kết hợp tương tác trực tuyến và ngoại tuyến giữa doanh nghiệp và khách hàng, hòa trộn phong cách với chân thực trong việc xây dựng thương hiệu, và cuối cùng bổ sung sự kết nối máy-móc-đến-máy-móc với sự tiếp xúc người-đến-người để gia tăng sự gắn kết của khách hàng. Nó giúp người làm tiếp thị chuyển đổi vào nền kinh tế số vốn đã làm thay đổi nhiều khái niệm chính của hoạt động tiếp thị. Tiếp thị số và tiếp thị truyền thống cùng tồn tại trong Tiếp thị 4.0 với mục tiêu cuối cùng là giành được sự ủng hộ từ khách hàng.
Doanh nghiệp của bạn ứng dụng tiếp thị như thế nào trong nền kinh tế số hiện nay?
- Làm thế nào để thương hiệu của bạn khác biệt hóa mạnh mẽ dựa trên sự tiếp xúc người-đến-người trong thế giới số?
- Làm thế nào để doanh nghiệp của bạn chuyển đổi từ mô hình 4P truyền thống sang mô hình 4C của thế giới số bằng cách áp dụng phương pháp đồng sáng tạo, tận dụng lợi thế của việc định giá như tiền tệ, gắn kết kích hoạt cộng đồng và thúc đẩy thảo luận?
- Đâu là những thay đổi cơ bản cần thiết trong chiến lược dịch vụ khách hàng để áp dụng mô hình chăm sóc khách hàng mang tính cộng tác?
Theo MARKETING 4.0 (Philip Kotler)
Làm sao để áp dụng Tiếp Thị 4.0 giúp doanh nghiệp bạn Bán Được Hàng và Có Lợi Nhuận?
Để thực hiện kế hoạch SEO & Content Marketing giúp BÁN HÀNG hiệu quả, doanh nghiệp hãy liên hệ chuyên viên tư vấn Content Marketing của ONESE để hỗ trợ thông tin và triển khai các chiến dịch tiếp thị nội dung hiệu quả nhất.
ONESE Digital Marketing
Điện thoại: 028 6292 1313
Email: info@onese.vn